Bùng phát dịch… muỗi | Diệt Mối Côn Trùng Sài Gòn - Thinh An Hung Pest Control
Hóa chất - Thiết bị
Hỗ trợ trực tuyến
0903 088 033
090 333 7803
thinhanhung@trumoisaigon.com
Đang trực tuyến: 5
Lượt truy cập: 2117263
Danh mục tin tức
Bùng phát dịch… muỗi

Muỗi kêu... sáo thổi

Mới 5 giờ chiều nhưng bác bảo vệ nhà xe của chung cư An Hòa 4, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM đã đốt nhang đuổi muỗi. “Chạng vạng tối muỗi bắt đầu bay từng đàn. Ngồi đuổi muỗi mỏi tay thôi”, bác bảo vệ cho biết. Chỉ tay về phía con rạch kế bên, bác bảo vệ cho biết nhiều khả năng do kênh rạch ô nhiễm quá nên phát sinh nhiều muỗi. Nhìn con rạch đen kịt với lềnh bềnh rác rưởi, bác bảo vệ lắc đầu ngao ngán: “Tội nhất mấy đứa trẻ trong khu này, lỡ bị muỗi SXH đốt thì khổ”.

Ghé vào một nhà dân, bà giúp việc Lê Thị Phụng than thở phải giăng mùng cả ngày lẫn đêm mới ngủ được chứ không muỗi “thịt” luôn. Vì sợ đứa con nhỏ của chủ nhà bị muỗi đốt nên bà Phụng phải giăng mùng mỗi khi đứa trẻ chưa đến 2 tuổi ngủ. “Ở đây nhà nào cũng giăng mùng suốt ngày vậy đó. Tui cẩn thận thế mà thằng nhỏ cũng dính mấy nốt muỗi cắn”, bà Phụng vừa nói vừa chỉ tay vào mấy nốt rộp đỏ ở chân đứa trẻ…

Khảo sát cho thấy, không chỉ khu dân cư nói trên thuộc phường Tân Thuận Đông mà một số khu dân cư khác ở quận 7 cũng bùng phát muỗi rất nhiều. Mặc dù nằm trong khu dân cư mới với nhiều biệt thự tại phường Tân Quy nhưng nhà ông Trần Thành Tâm… đầy muỗi. “Trời vừa chập tối đứng ngay gốc vườn nhà nghe muỗi kêu như sáo thổi. Trong nhà lúc nào cũng sẵn nhang muỗi, vợt muỗi nhưng không ăn thua. Thậm chí có hôm ăn tối cả nhà phải chui vào mùng mới tránh được muỗi”, ông Tâm phân trần.

Một con rạch bị ô nhiễm ở khu dân cư thuộc khu phố 1 phường Tân Thuận Đông, quận 7 TPHCM.

Ghi nhận trong những ngày qua cho thấy nhiều khu vực khác trên địa bàn thành phố cũng đang bùng phát dịch muỗi. Tại khu vực phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức (đoạn đang thi công đường Bình Lợi - Tân Sơn Nhất) nhiều hộ gia đình cũng than trời vì… “giặc” muỗi. Theo những hộ dân nơi đây, không chỉ các kênh rạch ô nhiễm mà các công trình thi công dang dở, nhất là đoạn thi công đường Bình Lợi - Tân Sơn Nhất chưa xong nên nhiều ao tù, nước đọng khiến đàn muỗi sinh sôi. Khu vực thuộc khu phố 5, 6 phường Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) cũng đang đối mặt với dịch muỗi.

Anh Nguyễn Văn Thạnh, nhà ở khu phố 6 cho biết từ khoảng 4 - 5 giờ chiều phải đóng cửa nhà, kéo rèm nhưng muỗi vẫn ùa vào từng đàn. “Nhà có hai đứa nhỏ nên rất lo. Lỡ bị muỗi SXH đốt thì khổ nên đứa nhỏ học lớp một mỗi lần ôn bài phải bắt chui vào mùng”, anh Thạnh nói. Hay như khu vực cầu Băng Ky, Rạch Lăng (phường 13, quận Bình Thạnh) cũng đang “vào mùa” dịch muỗi mặc dù địa phương đã cố gắng phun thuốc, vệ sinh kênh, rạch. Nhiều hộ dân cho biết năm nào ở khu vực này cũng xuất hiện dịch muỗi, thông thường vào tháng 10, 11, nhưng năm nay đã qua giữa tháng 2 mà vẫn bùng phát muỗi thì rất bất thường.

        Dễ nhầm sốt xuất huyết với các bệnh khác

Theo thống kê của Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, tuần qua trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 5 - 7 ca SXH nhập viện điều trị. TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện, cho biết hiện không phải cao điểm dịch SXH nhưng bình quân mỗi ngày bệnh viện khám ngoại trú và điều trị nội trú 20 - 25 trường hợp, trong đó có cả người lớn lẫn trẻ em. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 TPHCM, số ca trẻ mắc SXH không nhiều nhưng cũng đáng quan ngại bởi đa phần trẻ nhập viện khi bệnh đã trở nặng.

Theo bác sĩ Lê Thị Bích Liên, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, dù đang giai đoạn thấp điểm của dịch SXH nhưng vẫn có lác đác một vài ca mắc. “SXH có quanh năm nhưng tùy vào thời điểm mắc ít hay nhiều. Tuy nhiên, cần cẩn trọng vì có thể nhầm mắc SXH với các bệnh khác”, bác sĩ Liên khuyến cáo. Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đã cấp cứu thành công một trường hợp bị sốc do mắc SXH. Đó là bé N.T.D.T. (nam, 10 tuổi, ở huyện Củ Chi, TPHCM) bị sốt cao liên tục 3 ngày. Đến ngày thứ 4, T. đau bụng, ói ra máu, tay chân lạnh nên người nhà đưa bé nhập viện... Các bác sĩ lưu ý hiện nay số trường hợp mắc SXH không nhiều nhưng không được chủ quan. “Trẻ sốt cao trên 2 ngày, có biểu hiện quấy khóc, bứt rứt khó chịu, đau bụng, chảy máu cam, chảy máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống… nên nghĩ ngay đến mắc SXH”, BS Nguyễn Minh Tiến, khoa cấp cứu - chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1, lưu ý.

Trong khi dịch bệnh sởi đang bùng phát, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo nguy cơ nhiều trẻ em bị mắc sởi bị chẩn đoán nhầm sang SXH và ngược lại. Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, hiện trẻ mắc các dịch bệnh sởi, SXH, tay chân miệng tập trung nhiều nhất từ 1 - 10 tuổi. Bệnh của những trẻ này trở nặng vì sức đề kháng yếu, hơn nữa bác sĩ thường phát hiện trễ vì trẻ có những triệu chứng dễ nhầm với các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa, siêu vi khác. Để phòng ngừa dịch bệnh SXH, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố khuyến nghị người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phát quang bụi rậm, khơi thông ao tù nước đọng, giữ gìn nhà cửa sạch sẽ thoáng mát, ngủ mùng thường xuyên.

 

theo SGGP Online